Blog Ongchonghaylam

Nổi buồn Tiến Minh – HCĐ Seagames

Nỗi buồn Tiến Minh!

Lại thêm một kì Sea games thất bại của Tiến Minh. Tuy rằng với tấm HCĐ đơn nam, thành tích này là tốt hơn nhiều so với 2 kì Sea games trước. Không thể nói đây là kì Seagames thất bại của cầu lông Việt nam, vì với 2 Huy chương đồng của Tiến Minh và Vũ Thị Trang, thì đây là một thắng lợi lớn. Tuy nhiên khác với Vũ Thị Trang chịu thua cách biệt 0-2 trước VĐV người Thái quá mạnh, cách Tiến Minh thua, đã làm trái tim của những người hâm mộ cầu lông tan nát.

Vậy vì đâu Tiến Minh lại chịu thất bại trước một đối thủ từng là bại tướng 3 lần của mình. Có phải do thể lực, hay kỹ thuật, hay bản lĩnh thi đấu? Tôi xin đi vào phân tích từng yếu tố một.

Về thể lực, Tiến Minh cho biết đã có sự chuẩn bị chu đáo 3 tuần trước khi thi đấu. Sau trận thắng VĐV người Thái Avihingsanon Suppanyu , anh cho biết “về mặt thể lực, Minh đã có sự chuẩn bị rất tốt, Minh thấy thể lực mình rất Ok “. Chúng ta có thể tin Tiến Minh hoàn toàn đủ thể lực cho trận bán kết với Rumbaka. Dù anh lớn hơn Rumbaka 5 tuổi. Tiến Minh sinh năm 1983 so với Rumbaka sinh năm 1988. Tuy Tiến Minh lớn tuổi hơn, nhưng anh đạt điểm rơi về thể lực,  do đã có sự chuẩn bị đầy đủ. Tôi cho điểm về thể lực như sau:
4 cho Tiến Minh – 6 cho Rumbaka.
“Tiến Minh khỏe nhưng Rumbaka càng khỏe”.

Về kỹ thuật, một tay vợt càng lớn tuổi, thứ hạng càng cao, thì kỹ thuật càng cao. Tiến Minh hiện đang xếp thứ 8 so với thứ 23 của Rumbaka. Tuy thứ hạng cao hơn không có nghĩa là thắng 100%, nhưng không thể nói hạng 8 có kỹ thuật thua hạng 23 được. Ở đây tôi đánh giá:
6-4 cho Tiến Minh và Rumbaka.
“Rumbake có kỹ thuật tốt và nhưng Tiến Minh càng tốt hơn.”

Về mặt tâm lý thi đấu, Tiến Minh có tâm sự “Seagames là đấu trường khốc liệt, chỉ thua giải World cup nhưng hơn nhiều các giải Open Superseries, do đây là sự kiện đại diện cho quốc gia và 2 năm mới có một lần, một VĐV trong suốt đời thi đấu chỉ có thể tham dự 2,3 lần, nên không chỉ tôi bị tâm lý mà các VĐV khác cũng vậy”.
Nói là thế nhưng sau khi thắng VĐV Thái Lan Avihingsanon Suppanyu, Tiến Minh còn cho biết thêm “Minh hoàn toàn không còn áp lực gì nữa, vì đã nắm chắc Huy chương đồng trong tay, Minh đã cởi bỏ áp lực và sẽ cố gắng hết sức để dành thắng lợi ngày mai với VĐV Rumbaka”.
Theo quan sát trước trận đấu với Rumbaka qua Clip do các phóng viên chiến trường cho thấy, cả Rumbaka và Tiến Minh đều rất căng thẳng. Hầu như cả hai đều mang tâm trạng khá nặng nề, điều này cho thấy đấu trường Seagames quả thật khốc liệt.
Về tâm lý trận đấu, tôi cho điểm
5-5 cho cả Tiến Minh và Rumbaka.
“Rumbaka cũng khớp mà Tiến Minh cũng khớp.”
Đến hiện tại tỷ số như sau:

Thể Lực: Tiến Minh 4 – Rumbaka 6
Kỹ thuật: Tiến Minh 6 – Rumbaka 4
Tâm lý: Tiến Minh 5 – Rumbaka 5

Qua các thông số phân tích ta thấy, cả hai bước vào trận đấu với phần thắng thua là 5-5 chia đều cho cả hai.

Và thực tế thì trận đấu cũng diễn ra y như phân tích, bằng kỹ thuật của mình, Tiến Minh đã nhanh chóng dành phần thắng 21-13 trong sét 1. Tuy nhiên sang hiệp 2, thì tuổi trẻ cho thấy sức mạnh, Rumbaka đã nhanh chóng cân bằng trận đấu với tỷ số 21-12. Và như giới chuyên nghiệp cầu lông cho biết thì set 3, mới chính là set thử thách bản lĩnh trận mạc, kinh nghiệm thi đấu của từng cá nhân.
Ai cũng biết thắng Lindan, Lee Chong Wei một set là có thể, nhưng thắng set thứ ba thì lại cực khó. Chỉ vài người trên thế giới làm được. Ở set thứ ba, là sự hội tụ của tất cả, từ nền tảng thể lực, kinh nghiệm thi đấu, và trên hết chính là bản lĩnh trận mạc của từng VĐV.

Nói về bản lĩnh thi đấu, tôi là người hâm mộ và chơi cầu lông đã 20 năm nay, đã theo dõi từng bước tiến của Tiến Minh, từ lúc Tiến Minh còn nhỏ chưa có danh hiệu trong nước, cho tới lúc Tiến Minh lên hạng 5 thế giới, tôi đánh giá Tiến Minh vẫn còn yếu trong tâm lý thi đấu, sự thật thì ai cũng biết Tiến Minh yếu tâm lý, cả Tiến Minh cũng thừa nhận, nhưng còn một khía cạnh khác về tâm lý làm ảnh hưởng tới kỹ thuật thì người không chuyên sẽ không hiểu. Tôi muốn nói tới là chiến thuật thi đấu, hay còn gọi là giơ đấu. Từ khi thành danh, Tiến Minh đã chọn cho mình giơ phòng thủ. Điều này liên quan đến thể hình và thể chất VĐV. Một VĐV có chiều cao khiêm tốn 1m69
thì gần như chỉ có một lựa chọn là phòng thủ (tôi đang nói về đánh đơn nam).  Đây là giơ đánh thiên về thể lực, dùng các đường gài cầu, phông cầu cao, đôi công ngang, rình rập và chờ cơ hội. Người thi đấu phòng thủ luôn nhường thế chủ động cho đối phương, tích cực di chuyển, tạo ra thế trận dằng co càng lâu càng tốt, nhằm tiêu hao thể lực đối phương, gây sức ép về mặt tâm lý lên đối phương, đối phương tấn công càng mạnh thì ta càng phòng thủ kiên cường, có thể dùng một câu là một bên thì “tấn công chết bỏ”
bên còn lại thì “phòng thủ chết bỏ”. Còn nếu hai giơ phòng thủ gặp nhau, thì xác định là sẽ có những đường cầu qua lại nhiều 40,50 pha, giống như pha cầu dài nhất lịch sử cầu lông diễn ra giữa Tiến Minh và Jan O Jorgensen [9] tại giải vô địch thế giới. (Cuối cùng Tiến Minh thắng và đoạt HCĐ). Yếu tố làm nên thành công cho việc phòng thủ chính là sự “lì lợm”. Phải lì lợm một cách khủng khiếp, phải bò lăn ra sân, phải cứu cầu bằng mọi giá, phải theo đuổi đối phương quyết liệt, cho dù là đang 1-0 hay 20-0. Tôi cho rằng tới thời điểm hiện tại, Tiến Minh là người giỏi nhất trong phong cách phòng thủ. Nhưng đau lòng rằng, cầu lông hiện đại không còn chỗ cho kiểu phòng thủ này. Các cường quốc cầu lông, hàng năm đều cho ra lò các tay vợt cao lớn, tấn công
mạnh mẽ. Trong một cuộc phỏng vấn với báo đài trước đây, khi được hỏi khi thi đấu Minh sợ ai nhất. Tiến Minh đã trả lời: “Minh sợ gặp phải những người to cao, có các cú smash uy lực”. Thực tế thi đấu cho thấy, khi Tiến Minh gặp các đối thủ có chiều cao 1m8 trở lên, thì anh hầu như thất bại cho dù thứ hạng anh có cao hơn hay thấp hơn đối thủ. Tôi có thể kể vài cái tên như: Bao Chunlai 1m88, Peter Gade 1m83, Lindan 1m8, Chen long 1m87.

Tôi phân tích dài dòng vậy để cho thấy, giơ phòng thủ rất khó thắng và khó chủ động dẫn dắt trận đấu khi gặp phải các đối thủ tài giỏi trong tấn công. Để thành công trong phòng thủ, VĐV phải duy trì thể lực cực tốt, và trên hết là bản lĩnh lì lợm. Tôi cho rằng cả kỹ thuật, và thể lực có thể tập luyện, nhưng sự lì lợm thì nằm ở bản tính. Và rất tiếc phải thông báo rằng, Tiến Minh có ý chí cầu tiến, có gia đình ủng hộ, có sự chuyên cần và chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu, nhưng bản tính lì lợm thì không có. Ai cũng biết non sông dễ đổi, bản tính khó dời là vậy. Và một lần nữa, chính tâm lý yếu và chiến thuật không hợp lí đã cản bước Tiến Minh ngay “ngưỡng cửa thiên đàng”

Tôi xin phân tích tình huống khi Minh dẫn đối thủ 20-16 để cho thấy Minh thiếu lì lợm thế nào.
Trong đoạn phỏng vấn sau khi thua trận, Tiến Minh có nói “Minh thật không hiểu nổi, tại sao khi Minh dẫn 20-16 trái cầu tự nhiên bay chậm lại rất nhiều. Trước đó nó bay rất nhanh. Minh đã cố gắng tấn công để dành điểm kết thúc, nhưng vì cầu bay chậm, VĐV Rumbaka cố tình phông cầu, phông cầu mãi nên Minh không dứt điểm được. Rồi trái 20-18, khi Minh bỏ cầu, đáng lý cầu bay nhanh thì đã qua lưới.Không ngờ cầu đập lưới, rớt ngược lại. Thật khó hiểu..”

Tôi xin nói thẳng ở đây, tâm lý nôn nóng đã làm hại Tiến Minh. Một VĐV dùng phòng thủ là bài tủ của mình thì phải dùng đến cùng. Đây là sở trường của mình. Khi dẫn trước 20-16, với tâm lý chỉ cần ăn 1 điểm là kết thúc, Minh đã nôn nóng vùng lên tấn công, lấy ngay sở đoản của mình để đánh. Rumbaka chỉ cần có thế, anh lập tức phong cầu cho Minh tấn công, với thể hình như Tiến Minh mà muốn “đập phát chết ngay”
là không thể. Và khi đã dùng sở đoản của mình thì ngay lập tức anh bị Rumbaka phản công, và dành phần thắng. Chiến thuật hợp lí ở đây là Tiến Minh vẫn cứ là Tiến Minh, vẫn cứ phòng thủ, vẫn cứ phông cầu, gài cầu cho Rumbaka tấn công. Hãy luôn nhớ rằng “Tôi không smash mạnh, tôi không tấn công giỏi. Tôi chỉ có thể lực tốt, tôi sẽ phòng thủ tới cùng, anh cứ việc tấn công, tôi sẽ dằng co, tôi sẽ rình rập, cho tới khi anh tấn công không thủng thì anh sẽ tự thua”.

Thật ra Tiến Minh đã nhiều lần muốn thay đổi bản thân mình, chuyển từ phong cách phòng thủ sang tấn công mạnh mẽ. (HLV Nguyễn Anh Hoàng, người thầy dẫn dắt Tiến Minh khi còn thi đấu là một người có thể hình tốt và có phong cách tấn công mạnh mẽ). Nhưng Minh không thành công. Minh không có thể hình tốt, không có cú smash uy lực, và cuối cùng Minh đã quyết định giơ thi đấu cho bản thân mình chính là phòng thủ. Việc Minh chuyển sang tấn công ở những trái cuối (khi Minh 20 điểm) đã diễn ra gần đây. Còn nhớ trận tứ kết với Jan O Jorgensen ở giải Vô địch thế giới. Khi ở set 3, Tiến Minh dẫn 20-16, anh cũng vùng lên tấn công, kết cục là Jan O Jorgensen đã gỡ lại được 20-20. Rất may cho Tiến Minh là Jan O Jorgensen cũng là giơ phòng thủ, chứ nếu anh ta tấn công tốt thì Tiến Minh đã không thể treo tấm HCĐ thế giới trang trọng trong phòng khách nhà mình.

Nói vậy để thấy rằng, đối với giơ phòng thủ, thì có dẫn điểm 20 trước, cũng không dại gì chuyển qua tấn công sớm cả. Anh vẫn cứ rình rập chờ cơ hội. Trao quyền chủ động cho đối thủ, chờ đối thủ sai sót. Thật tiếc cho Ban huấn luyện, cụ thể là HLV Nguyễn Anh Hoàng, đã không có sự chỉ đạo hợp lí cho Tiến Minh. Để sự việc lặp lại tới 2 lần. Và lần này Rumbaka đã trừng phạt Tiến Minh. Tiến Minh cho rằng mình thiếu may mắn, khi bỏ nhỏ cầu chạm lưới không qua, thật ra do quá nôn nóng chiến thắng, anh đã dùng lực không chính xác. Một cú bỏ nhỏ không thể thắng được 1 VĐV đỉnh cao, không ai bỏ nhỏ để thắng điểm cả, đó chỉ là một đòn gài cầu, phục vụ cho một mục tiêu
dài hơi. Vì vậy anh không thể mạo hiểm đánh thật sát lưới và cầu mong thần may mắn mỉm cười.

Thất bại của Tiến Minh, làm trái tim tôi, một người hâm mộ cầu lông như rỉ máu. Tôi chưa bao giờ buồn vì Tiến Minh thua Lin Dan, thua Lee Chong Wei, nhưng thật buồn khi anh cứ phải thua những đối thủ yếu hơn mình và không thua vì trình độ mà thua về “cái đầu”. Minh thiếu một cái đầu lạnh để vượt qua thời khắc lịch sử. Với tôi HCĐ của Tiến Minh chính là

“Nổi buồn Tiến Minh”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *